THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Thông tin về các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019

01/11/2019 14:45 |

Vào 9 giờ ngày 31/10/2019 tại khách sạn Hàm Luông - số 200C đường Hùng Vương, phường 5- TP Bến Tre, Ban tổ chức Lễ Hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 đã tổ chức họp báo công bố chi tiết các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019.

Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 hứa hẹn đem đến nhiều nét mới, hướng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh, các giá trị tài nguyên bản địa độc đáo của tỉnh, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 chính thức khai mạc ngày 16/11/2019 đến ngày 20/11/2019 tại thành phố Bến Tre, gồm các hoạt động chính như: Lễ khai mạc, bế mạc; Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ Thương mại; Lễ ra mắt Không gian khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo (Mekong Innovation HUB) và các hội thảo: "Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu", "Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", "Các trường Đại học kỹ thuật với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre", "Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre"; Không gian Dừa; Liên hoan Ẩm thực Dừa Nam Bộ; Cộng đồng vui hội làng Dừa; Tôn vinh cây Dừa, sản phẩm Dừa và người sản xuất, chế biến Dừa…

Điểm nhấn trong hoạt động của lễ hội là các hoạt động mang tính cộng đồng cao, thể hiện vai trò tham gia và hưởng thụ các giá trị mang lại từ Lễ hội cho chính người dân, đó là: hoạt động "Cộng đồng vui hội làng Dừa" trên khắp các khu dân cư trong toàn tỉnh, người dân tham gia dưới các hình thức: các trò chơi dân gian, truyền thống; liên hoan trang trí từ chất liệu dừa; liên hoan ẩm thực, ca nhạc tài tử, hát dân ca Bến Tre, đồng dao… tại các vườn dừa của địa phương, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi toàn dân trong những ngày diễn ra lễ hội và gắn với "Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc"."Ngày hội áo bà ba", vòng chung kết "Người đẹp xứ dừa" sẽ diễn ra vào sáng và tối 17/11 nhằm tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ và trang phục truyền thống của người Nam bộ.

Về thiết kế, trang trí: Phố đi bộ và Không gian dừa hứa hẹn sẽ là không gian hài hòa, liên hoàn cảm xúc cho người dân và du khách về các giá trị truyền thống và hiện đại của Dừa. Nơi đây được trang trí từ những chất liệu bằng dừa, bố trí các cụm tiểu cảnh hài hòa, ấn tượng, mang đậm chất dân gian xứ Dừa, kết hợp thiết kế có tính nghệ thuật cao. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh cây dừa; giới thiệu đến du khách văn hóa dừa Bến Tre. Vị trí Phố đi bộ đặt tại Đại lộ Đồng Khởi và Không gian Dừa đặt tại Công viên Cái Cối (bờ Nam sông Bến Tre).

Trong khuôn khổ của Lễ hội Dừa năm nay, sẽ diễn ra tuần lễ văn hóa - nghệ thuật - du lịch, tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa. Đặc biệt, triển lãm sản phẩm dừa và hội chợ thương mại, dự kiến sẽ quy tụ khoảng 400 gian hàng trưng bày các sản phẩm dừa và một số loại cây đặc sản của tỉnh cùng các cuộc thi tuyển chọn, tôn vinh những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ dừa, những doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong ngành dừa, cũng như những người trồng dừa xuất sắc trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Những nét đặc sắc trong nghệ thuật ẩm thực từ các món ăn, thức uống dân gian, truyền thống đặc sản Nam Bộ, đặc biệt là ẩm thực từ dừa được trình bày rõ nét tại lễ hội năm nay. Cây dừa không chỉ đi vào thơ ca mà còn là nét văn hóa trong ẩm thực của người dân nơi đây với những món ngon nổi tiếng như: tép rang dừa, cơm nấu trong trái dừa, gỏi củ hủ dừa,..

Các sản phẩm được tạo ra bởi Dừa Bến Tre sẽ được bày bán đa dạng, từ các thực phẩm mới lạ như kẹo dừa không dính răng, dừa sấy đủ vị (tỏi ớt, lá dứa, sầu riêng…) cho tới mỹ phẩm - dưỡng da như dầu dừa, mặt nạ dừa, son dưỡng, tinh dầu, dầu gội, xịt chống muỗi… hay hàng thủ công mỹ nghệ là chén gáo dừa, bộ muỗng đũa, bộ ấm trà, giỏ xách…

Hiện nay có khoảng 500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ dừa Bến Tre như: lẵng hoa, giỏ đựng quà, đèn ngủ, túi xách, ví,.. Sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã cũng là một điểm cộng lớn cho các sản phẩm này. Bên cạnh đó, nhiều loại mỹ phẩm làm đẹp tự nhiên được chiết suất từ dừa cũng được đưa ra tại lễ hội như: tinh dầu dừa, mặt nạ dừa, sữa tắm từ dừa, kem ủ tóc,...

Đặc biệt, Ban Tổ chức sẽ tổ chức các tour du lịch "Trải nghiệm sông nước, miệt vườn xứ Dừa", kết hợp với quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, các vườn dừa đẹp cho du khách tham quan; các tàu du lịch trải nghiệm sóng nước, tham quan trên sông Bến Tre nghe đờn ca tài tử, hát sắc bùa, thưởng thức nước dừa xiêm và nhiều loại trái cây khác. Bên cạnh việc thưởng thức những bản nhạc đầy màu sắc văn hóa Bến Tre, mọi người còn có thể được học diễn xướng dân gian từ người dân xứ dừa.

Bến Tre có diện tích dừa chiếm 50% diện tích dừa cả nước, với diện tích gần 72.000 ha, 163.000 hộ dân trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Lễ hội Dừa sẽ là cơ hội khuyến khích nông dân trồng dừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư trồng dừa. Các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhằm đa dạng mẫu mã, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Lễ hội Dừa còn là cơ hội để tỉnh Bến Tre xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển du lịch trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại lợi ích thật sự, thúc đẩy liên kết, góp phần tăng chuỗi giá trị cây dừa của địa phương, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.

Các tin khác

Nhà tài trợ kim cương
Nhà tài trợ vàng
Nhà tài trợ bạc và đồng tài trợ